Đề thi thử vào 10 môn Ngữ Văn THPT Khoa học giáo dục 2021-2022

Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn trường THPT Khoa học giáo dục Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, năm học 2021-2022.

Thời gian làm bài 60 phút. Hình thức trắc nghiệm và tự luận.

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM

(30 câu trắc nghiệm, từ câu 1 đến câu 30, 2 điểm/ câu)

Câu 1

(2 điểm) Thành ngữ “Nói bóng nói gió” có liên quan đến phương châm hội thoại nào sau đây?

(A) Phương châm cách thức

(B) Phương châm về chất

(C) Phương châm lịch sự

(D) Phương châm về lượng

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi từ câu 2 đến câu 4:

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

(Trích Bàn về đọc sách, Chu Quang Tiềm, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.3-4)

Câu 2

(2 điểm) Cách lập luận nào được sử dụng trong đoạn trích trên?

(A) Diễn dịch

(B) Tổng- phân- hợp

(C) Móc xích

(D) Quy nạp

Câu 3

(2 điểm) Các phép liên kết nào được sử dụng trong đoạn trích?

(A) Phép lặp, phép thế, phép liên tưởng

(B) Phép nối, phép thế, phép lặp

(C) Phép nối, phép lặp, phép thế, phép liên tưởng

(D) Phép nối, phép lặp, phép liên tưởng

Câu 4

(2 điểm) Các từ ngữ được gạch chân trong đoạn văn là thành phần biệt lập nào?

(A) Thành phần phụ chú

(B) Thành phần cảm thán

(C) Thành phần gọi- đáp

(D) Thành phần tình thái

Câu 5

(2 điểm) Phương án nào chỉ ra chính xác ý nghĩa ẩn dụ của “cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn” được tác giả nhắc tới trong đoạn trích trên?

(A) Khẳng định niềm hứng khởi và say mê mà sự học hỏi đem lại; thôi thúc người đọc lạc quan dấn thân trên con đường học vấn

(B) Nhấn mạnh bản chất của sự học hỏi: đó là cuộc phiêu lưu, tìm hiểu sự phong phú của thế giới bên ngoài đồng thời khám phá sự bí ấn của thế giới bên trong mình

(C) Nhấn mạnh bản chất của con đường học vấn: đó là hành trình dấn thân đầy nhọc nhằn, đòi hỏi sự bền bỉ và bản lĩnh để khám phá và chinh phục những đỉnh cao tri thức của nhân loại

(D) Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của học vấn đối với sự thành công của mỗi người: mọi con đường dẫn đến thành công đều xây trên nền tảng của học vấn

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ câu 6 đến câu 8:
Tôi nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ!
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những giấc mơ…
(Trích Vui thế hôm nay – Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 1999)

Câu 6

(2 điểm) Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

(A) Tự sự, biểu cảm

(B) Miêu tả, tự sự

(C) Tự sự, miêu tả

(D) Miêu tả, biểu cảm

Câu 7

(2 điểm) Các biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn thơ trên?

(A) Hoán dụ, nhân hóa, so sánh

(B) Liệt kê, điệp từ, hoán dụ

(C) Nhân hóa, điệp ngữ, ẩn dụ

(D) Liệt kê, điệp từ, ẩn dụ

Câu 8

(2 điểm) Phương án nào chỉ ra chính xác tác dụng của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên?

(A) Miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi mới, căng tràn sức sống, từ đó, bộc lộ khát khao được tận hưởng cái đẹp trong cuộc đời

(B) Bộc lộ niềm say sưa, thích thú của tác giả khi thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên; thể hiện giấc mơ của nhân vật trữ tình về tương lai tươi đẹp của đất nước

(C) Bộc lộ niềm hân hoan, say sưa, cảm xúc tự hào của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp thanh bình và nên thơ của quê hương, đất nước

(D) Miêu tả sắc xanh trải dài trên những mảnh đất quê hương, từ đó, bộc lộ những suy tư sâu sắc về sức sống tiềm tàng của dân tộc

Câu 9

(2 điểm) Tác phẩm nào sau đây có cùng đề tài với Bài thơ về tiểu đội xe không kính– Phạm Tiến Duật?

(A) Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê

(B) Ánh trăng– Nguyễn Duy

(C) Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận

(D) Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

Câu 10

(2 điểm) Tác phẩm Làng của Kim Lân được sáng tác theo thể loại nào sau đây?

(A) Bút kí

(B) Tiểu thuyết

(C) Tự truyện

(D) Truyện ngắn

Câu 11

(2 điểm) Phương án nào chỉ ra chính xác nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích sau?

Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm, buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng phu kia nữa.

(Trích Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ, Ngữ văn 9, Tập một,NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.45)

(A) Nghệ thuật đòn bẩy

(B) Bút pháp ước lệ tượng trưng

(C) Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình

(D) Bút pháp chấm phá

Câu 12

(2 điểm) Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du được thể hiện như thế nào qua hai câu thơ sau?

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn học, 2019)

(A) Tố cáo xã hội đồng tiền đẩy những người con gái tài sắc vào cuộc đời đầy bi kịch

(B) Ca ngợi vẻ đẹp và sự tài hoa của những người phụ nữ có sắc đẹp trong xã hội phong kiến

(C) Xót thương cho cuộc đời truân chuyên, thân phận bạc mệnh của người phụ nữ trong xã hội xưa

(D) Tiếc thương cho một trang tuyệt sắc giai nhân rơi vào hoàn cảnh bị rẻ rúng, lưu lạc, đọa đày

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu 13 và câu 14:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
[…]
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.140)

Câu 13

(2 điểm) Hình ảnh đoàn thuyền trong hai khổ thơ trên được khắc họa với cảm hứng nào?

(A) Cảm hứng lịch sử

(B) Cảm hứng lãng mạn

(C) Cảm hứng dân tộc

(D) Cảm hứng hiện thực

Câu 14

(2 điểm) Chủ đề của bài thơ được thể hiện như thế nào qua hình ảnh đoàn thuyền trong hai khổ thơ trên?

(A) Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá giản dị, gần gũi thể hiện vẻ đẹp mộc mạc của đời sống lao động, ca ngợi phẩm chất cần cù, chăm chỉ, sức sống mãnh liệt của người lao động miền biển.

(B) Hình ảnh đoàn thuyền tráng lệ trong cuộc chạy đua với mặt trời khẳng định khát vọng làm chủ, chế ngự sức mạnh thiên nhiên, khẳng định vị thế độc tôn của con người lao động mới.

(C) Hình ảnh đoàn thuyền kì vĩ, lớn lao, mang tầm vóc vũ trụ thể hiện niềm vui, niềm tự hào, khẳng định sức mạnh và tư thế của con người lao động mới trước thiên nhiên.

(D) Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá với vẻ đẹp huy hoàng, tráng lệ chứa đựng giấc mơ về một đời sống thịnh vượng và tương lai đất nước phồn vinh.

Câu 15

(2 điểm) Đoạn thơ sau khắc họa thành công vẻ đẹp nào của hình tượng người lính lái xe Trường Sơn?

Không có kính, ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.131- 132)

(A) Dũng cảm, gan dạ, kiên định

(B) Mạnh mẽ, ngang tàng, bất chấp gian khổ

(C) Lạc quan, yêu đời, trung thành với lý tưởng

(D) Tâm hồn lãng mạn, bay bổng

Câu 16

(2 điểm) Mở đầu bài thơ Bếp lửa, Bằng Việt viết:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…

Bài thơ kết thúc cùng tâm sự của nhân vật trữ tình:

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

(Trích Bếp lửa, Bằng Việt, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.143-145)

Sự xuất hiện của các số từ “một” và “trăm” trong hai đoạn thơ trên có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của bài thơ?

(A) Khẳng định những tình cảm giản dị đơn sơ ngày thơ bé là cội nguồn sức mạnh, động lực tinh thần để người cháu đi xa, vươn đến một tương lai tốt đẹp hơn

(B) Nhấn mạnh sự đối lập giữa cuộc sống đơn sơ, thiếu thốn ở vùng quê nghèo thời ấu thơ với cuộc sống sung túc hiện tại, thể hiện niềm hạnh phúc của nhân vật trữ trình khi đã đi qua những tháng ngày gian khổ

(C) Nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa đơn sơ trong ký ức tuổi thơ và hành trình đi đến tương lai rộng mở của nhân vật trữ tình, từ đó, khẳng định ý nghĩa thiêng liêng và vẻ đẹp của tình bà cháu trước sau không đổi thay

(D) Khẳng định cội nguồn tình cảm gia đình hòa chung với tình yêu quê hương, đất nước là hành trang theo con người trên suốt chặng đường đời

Câu 17

(2 điểm) Phương án nào sau đây thể hiện chính xác ý nghĩa nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải?

(A) Nhan đề vừa thể hiện vẻ đẹp thơ mộng của cảnh sắc thiên nhiên vừa bộc lộ tình cảm đặc biệt của thi nhân dành cho mùa xuân và xứ Huế.

(B) Nhan đề vừa thể hiện tình yêu quê hương đất nước của thi nhân vừa bộc lộ tâm trạng lưu luyến từng khoảnh khắc của mùa xuân, nuối tiếc quãng thời gian tuổi trẻ.

(C) Nhan đề vừa thể hiện cảm xúc của thi nhân trước mùa xuân của thiên nhiên xứ Huế vừa bộc lộ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang và bề dày lịch sử của dân tộc.

(D) Nhan đề vừa thể hiện cảm xúc của thi nhân trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước vừa bộc lộ ước nguyện chân thành được hiến dâng cho mùa xuân của dân tộc, của cuộc đời.

Câu 18

(2 điểm) Tháng 11 năm 1980, khi nằm trên giường bệnh, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nhà thơ Thanh Hải đã gửi gắm ước nguyện của mình trong những câu thơ:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.56)

Trong chuyến đi thực tế Lào Cai năm 1970, nhà văn Nguyễn Thành Long đã gửi gắm cảm nhận của mình về một Sa Pa không lặng lẽ trong suy ngẫm của nhân vật ông họa sĩ:

Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.

(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.186)

Thông điệp nào sau đây được gợi ra từ ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải và những suy ngẫm của nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa?

(A) Cuộc sống có ý nghĩa khi con người hiến dâng cho đời một cách tự nguyện, chân thành, lặng lẽ.

(B) Sự sống của con người vốn là hữu hạn, tất thảy sự hiến dâng đều sẽ lặng lẽ rơi vào lãng quên.

(C) Sự sống có ý nghĩa khi con người cống hiến tất cả tuổi trẻ của mình cho cuộc đời chung.

(D) Con người có thể trở nên bất tử và vĩ đại nhờ những cống hiến lặng lẽ, âm thầm.

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 19 đến câu 22:
Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lén đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… Ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên:
– Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!
Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!…
Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?
(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.166)

Câu 19

(2 điểm) Đoạn trích trên khắc họa tâm trạng của ông Hai trong hoàn cảnh nào?

(A) Khi ông nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

(B) Khi tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính

(C) Khi ông rời làng đi tản cư

(D) Khi mụ chủ nhà đòi đuổi gia đình ông đi

Câu 20

(2 điểm) Câu văn in đậm trong đoạn trích trên thuộc kiểu câu nào, xét theo mục đích nói?

(A) Câu cầu khiến

(B) Câu nghi vấn

(C) Câu cảm thán

(D) Câu trần thuật

Câu 21

(2 điểm) Hình thức ngôn ngữ nào được tác giả sử dụng để khắc họa diễn biến tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích trên?

(A) Đối thoại, độc thoại nội tâm

(B) Độc thoại nội tâm

(C) Độc thoại, độc thoại nội tâm

(D) Đối thoại, độc thoại

Câu 22

(2 điểm) Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác tâm trạng của nhân vật ông Hai trong đoạn trích trên?

(A) Niềm căm thù sâu sắc đối với bọn thực dân cướp nước và bè lũ Việt gian bán nước

(B) Sự hoang mang tột độ và mặc cảm của một người dân mất nước, lưu lạc, tha hương

(C) Niềm đau đớn, xót xa, tủi hổ của một người yêu làng tha thiết, tự hào và tin tưởng ở những con người quê hương.

(D) Niềm thương xót dành cho tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên giữa mất mát, đau thương của chiến tranh

Câu 23

(2 điểm) Phương án nào chỉ ra chính xác đặc điểm về ngôi kể và điểm nhìn trần thuật của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa– Nguyễn Thành Long?

(A) Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, điểm nhìn của nhân vật ông họa sĩ

(B) Truyện được kể theo ngôi thứ ba, điểm nhìn của nhân vật cô kĩ sư

(C) Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, điểm nhìn của nhân vật anh thanh niên

(D) Truyện được kể theo ngôi thứ ba, điểm nhìn của nhân vật ông họa sĩ

Câu 24

(2 điểm) Đoạn văn dưới đây thể hiện những suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ khi trò chuyện với anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long:

Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về cả những điều anh suy nghĩ cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng.

(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.186)

Điều gì ở nhân vật anh thanh niên khiến ông họa sĩ cảm thấy mình “nhọc quá”?

(A) Những quan niệm đúng đắn về công việc, lẽ sống, sự hồn hậu, khiêm nhường của anh thanh niên không chỉ khiến người ta cảm phục những con người đang âm thầm cống hiến như anh mà còn gợi suy tư, trăn trở về một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.

(B) Sự chân thành, hồn hậu, tấm lòng hiếu khách của người thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2660m khiến mỗi người phải nghiêm túc suy nghĩ về mối quan hệ ngày càng xa cách giữa con người với con người ở thành phố.

(C) Quyết định rời thành phố náo nhiệt, tìm về nơi thanh bình, sống cuộc đời đơn giản về vật chất nhưng phong phú về tinh thần, gần gũi với thiên nhiên của anh thanh niên khác biệt với sự lựa chọn của đám đông.

(D) Tâm sự “thèm” người của anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m khiến mỗi người phải tự nhận thức, suy nghĩ về sự hờ hững của chính mình với con người và cuộc sống xung quanh.

Đọc câu chuyện sau và trả lời các câu hỏi từ câu 25 đến câu 26:
Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần, nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…
(Trích Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen Mc Cullough, NXB Văn học, 2011, tr.9)

Câu 25

(2 điểm) Hình ảnh chiếc gai nhọn trong đoạn trích ẩn dụ cho điều gì trong cuộc sống?

(A) Những thách thức và rào cản mà con người gặp phải trên đường đời

(B) Những chông gai, thử thách, sự hi sinh mà con người phải đối diện trong cuộc sống

(C) Niềm vui, niềm hạnh phúc mà con người luôn khát khao, tìm kiếm

(D) Những thành quả tốt đẹp mà con người đạt được sau một chặng đường đầy chông gai, thử thách

Câu 26

(2 điểm) Câu văn “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại” chứa đựng thông điệp nào sau đây?

(A) Bởi những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời đòi hỏi trả giá bằng khổ đau nên thay vì theo đuổi cái đẹp lí tưởng, con người cần học cách trân trọng và bằng lòng với những mình gì đang có.

(B) Những thành quả đạt được trong cuộc đời chỉ thực sự có ý nghĩa khi trải qua những khó khăn, thử thách, vì thế hãy không ngừng khát khao, theo đuổi đam mê, sẵn sàng dấn thân, hi sinh và dâng hiến.

(C) Sự nỗ lực không ngừng và niềm tin bền bỉ, mãnh liệt là chìa khóa cho mọi thành công và hạnh phúc trong cuộc sống

(D) Mọi nỗ lực, cố gắng sẽ được đền đáp nếu chúng ta sống có lý tưởng, dám dấn thân và sẵn sàng hy sinh vì những điều cao cả.

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 27 đến câu 29:

Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng…

Tôi không dám nói rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi tôi nhìn thấy cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn.

Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại… Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy siết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.
Thế cho nên, giữa cuộc sống bộn bề đôi khi cũng cần nhìn lại, để tự hỏi lòng xem, phải chăng ngay bên cạnh đời ta vẫn còn có ai đó lạc loài?

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2016, tr.38)

Câu 27

(2 điểm) Khi đặt cái thiện và cái ác trong tương quan so sánh, đoạn trích đã chỉ ra nghịch lí nào sau đây?

(A) Tuy số những người tin vào cái thiện, hướng thiện luôn đông hơn nhưng chống lại cái ác vẫn là một cuộc chiến đơn độc.

(B) Cái thiện tuy mong manh, bé nhỏ nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước cái ác.

(C) Cái thiện luôn tồn tại lặng lẽ quanh ta, đòi hỏi một sự trân trọng và nỗ lực kiếm tìm trong khi cái ác lại xuất hiện công khai và không ngừng lan rộng.

(D) Cái thiện chỉ là giấc mộng viển vông còn cái ác mới là bản chất của thực tại.

Câu 28

(2 điểm) Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác cách làm cho cái thiện mạnh lên và cuộc chiến chống lại cái ác không còn đơn độc?

(A) “…đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu.

(B) “Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại… Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy siết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài.

(C) “Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng…

(D) “… hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng.

Câu 29

(2 điểm) Martin Luther King từng nói: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa bởi lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn bởi sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Điều gì khiến cho sự im lặng của người tốt trở nên đáng sợ? Phương án nào sau đây KHÔNG trả lời cho câu hỏi trên?

(A) Sự im lặng có ý nghĩa như một sự dung túng, đồng lõa, ủng hộ thậm chí khuất phục trước cái ác.

(B) Sự im lặng củng cố lòng tin vào sự diệt vong của cái ác trong đời sống và trong mỗi con người.

(C) Sự im lặng đã khiến cho cái thiện trở nên đơn độc và người tốt trở thành kẻ lạc loài.

(D) Sự im lặng của người tốt tạo nên một nỗi sợ hãi cái ác âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Câu 30

(2 điểm)

Dưới đây là bức tranh Tự do (Freedom) của họa sĩ Pavel Kuczynski. Bức tranh phản ánh nỗ lực nào của con người trong xã hội hiện đại?

(A) Nỗ lực kiếm tìm và khẳng định giá trị cá nhân trong xã hội thông tin

(B) Nỗ lực thoát khỏi sự chi phối của Internet lên mọi mặt của đời sống xã hội

(C) Nỗ lực bứt phá ra khỏi mọi giới hạn về không gian, thời gian, văn hóa trong thời đại thông tin toàn cầu

(D) Nỗ lực khẳng định sự tự do mà thời đại thông tin toàn cầu mang lại

PHẦN II. TỰ LUẬN (40 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Ước làm một hạt phù sa
Ước làm một tiếng chim ca xanh trời
Ước làm tia nắng vàng tươi
Ước làm một hạt mưa rơi ấm chồi.
(Xin làm hạt phù sa, Lê Cảnh Nhạc)

Câu 31

(10 điểm) Xác định và nêu hiệu quả biểu đạt của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 32

(30 điểm) Từ những chia sẻ chân thành của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ, hãy viết đoạn văn (khoảng 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về ước nguyện được dâng hiến cho cuộc đời.

Đề thi Văn vào 10 - Tags: ,