Bí quyết ôn thi Văn đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia

Ngữ văn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh vào đại học các trường khối C, D, A1.

Để làm tốt bài thi môn Ngữ Văn các em phải nắm vững kiến thức, có phương pháp ôn thi và kỹ năng làm bài thì mới đạt điểm cao được. Dưới đây là những gì mà Trung tâm Gia sư Tiến Bộ chia sẻ với các em.

Nắm chắc kiến thức trọng tâm

Bất cứ môn học nào kiến thức trọng tâm luôn là yếu tố then chốt, nền tảng để các em bước đi tiếp theo trong quá trình ôn luyện. Riêng đối với môn Ngữ Văn, học sinh phải đầu tư thời gian để nắm chắc các kiến thức trọng tâm cụ thể là: Từng thời kỳ Văn học gồm Trung đại, Trước và sau Cách mạng tháng 8,…; Tác phẩm nổi bật của từng tác giả, tiểu sử, phong cách sáng tác; Học thuộc lòng tất cả bài thơ, các chi tiết tiêu biểu và nắm được nội dung nghệ thuật trong từng tác phẩm; … Đây chính là sườn quan trọng giúp các em định hướng tốt trong việc ôn tập và triển khai ý khi làm bài.

Các em nên dành thời gian để biên soạn tất cả các kiến thức trọng tâm cần phải nắm vững và học thuộc lòng chúng. Sẽ có nhiều em nghĩ môn Ngữ Văn không cần học thuộc lòng nhưng các kiến thức quan trọng chúng ta không thể nhớ hết nếu chỉ đọc lướt qua. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải phân loại và học theo sơ đồ để có kiến thức một cách hệ thống trong sự so sánh tổng quan, bí quyết này giúp học sinh làm tốt các dạng đề thi mang tính tổng hợp nhiều tác phẩm khác nhau. Đặc biệt khi biên soạn kiến thức như vậy là ít nhất các em đã nhớ được 30% nội dung.

Thêm vào đó, trong quá trình đọc các bài văn mẫu, đối với những bài phân tích hay, những đoạn văn viết nhiều cảm xúc. Học sinh nên cố gắng đọc lại nhiều lần để ghi nhớ cách viết, thậm chí nếu cần có thể học thuộc lòng để “tùy cơ ứng biến” nhằm tăng giá trị của bài thi. Các bài văn phân tích, bình giảng được đăng trên tạp chí Giáo dục hàng tháng của nhà xuất bản giáo dục thường rất sâu sắc và chất lượng, chủ yếu là những bài phân tích các đề tài khó và rất hay được sử dụng trong đề thi tuyển sinh đại học. Các em có thể tìm mua để làm tăng thêm giá trị nguồn tài liệu tham khảo của mình.

Rèn kỹ năng viết hàng ngày với nhiều dạng đề

Một khi đã nắm vững các kiến thức trọng tâm, các em hãy thử tài làm sĩ tử của mình tại nhà bằng cách đóng cửa và tự kiểm tra kỹ năng làm bài thông qua các đề thi và đáp án của những năm trước đây. Học sinh có thể nhờ thầy cô giáo chấm bài và góp ý cho mình những thiếu sót, như vậy mới có thể nâng cao kỹ năng làm bài thi và bổ sung những kiến thức còn thiếu sót. Quá trình rèn luyện này sẽ là vũ khí quan trọng và cho các em những kinh nghiệm cần thiết khi bước vào kỳ thi thật sự.

Có cách mở bài chung cho các tác phẩm

Đây chính là bí quyết mà nhiều thí sinh luôn áp dụng, bởi áp lực về chất lượng bài thi, chúng ta cần tiết kiệm thời gian tuyệt đối. Mặt khác, khi các em đọc đề và mở bài tốt trong thời gian ngắn sẽ là “bệ phóng” rất tốt để làm tiếp phần thân bài hiệu quả do không phải suy nghĩ nhiều về phần mở đầu. Khi mở bài xong là học sinh đã bắt mạch được bài viết để tiếp tục những phần tiếp theo. Cách mở bài luôn gắn liền với giai đoạn văn học và tác giả là cách mở chung dễ áp dụng nhất. Các em hãy cứ đề cao nét đặc biệt của tác phẩm đang phân tích, sau đó hoàn thành phần mở bài một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Không viết nháp khi làm bài thi môn Ngữ Văn

Các em nên đọc đề một lượt, gạch ra nháp các ý cần triển khai của từng câu rồi làm bài chính thức để tiết kiệm thời gian. Nếu có thể, hãy làm thứ tự từng câu đúng như đề ra, như vậy sẽ đảm bảo tính hệ thống và gây thiện cảm cho người chấm thi, tuyệt đối không bỏ sót câu nào. Dù làm câu hỏi dạng nào, các em cũng phải đủ mở bài, thân bài, kết bài. Không gạch ngang đầu dòng mỗi ý mà nên sử dụng từ nối giúp bài văn mạch lạc, hệ thống. Đây chính là kỹ năng thể hiện tính chuyên nghiệp và là yếu tố giúp thí sinh có thêm điểm cộng. môn Ngữ Văn không dễ được điểm cao hay tuyệt đối, chính vì vậy, các em hãy “nhặt nhạnh” những điểm cộng và hạn chế những điểm trừ dù nhỏ nhất.

Hãy có gắng viết đẹp, viết dài nếu có thể

Đây cũng là một bí quyết quan trọng, đối với bài thi môn Ngữ Văn, các em cần triển khai đủ ý để nêu bật nội dung cần phân tích. Tuy nhiên, phải cố gắng viết rõ ràng, chữ đẹp càng tốt và viết dài nếu có thể, đối với bài thi môn Ngữ Văn có thời lượng 180 phút ít nhất thí sinh phải viết được 10 trang giấy, vì như thế sẽ gây ấn tượng ban đầu cho người chấm bài thi bởi “ấn tượng bạn đầu là rất quan trọng”. Tuy nhiên, các em hãy nhớ rằng: Viết dài không có nghĩa là viết lan man, các ý và nội dung triển khai trùng lặp đâu nhé, vì như thế là lủng củng và càng bị trừ điểm.

Chuẩn bị tinh thần thoải mái, tránh bị áp lực

Để có thể viết những lời văn bay bổng, các em hãy hít thở sâu, thả lỏng cơ thể để nắm chắc hệ thống kiến thức trong đầu nhằm tránh sót trong quá trình làm bài. Một tinh thần quá áp lực và ức chế không bao giờ có thể viết ra những câu văn hay, ngôn từ giàu cảm xúc, tất nhiên sẽ chẳng gây được thiện cảm cho người chấm thi. Trên đây là một số kinh nghiệm ôn tập và làm bài thi môn Ngữ Văn đạt điểm cao trong kì thi Đại học. Rất nhiều bạn đã áp dụng rất hiệu quả, các em hãy tham khảo để lựa chọn cho mình kỹ năng phù hợp nhé. Gia sư Tiến Bộ xin chúc các sĩ tử thành công trong kỳ thi sắp tới.

Cẩm nang - Tags: ,